72 lượt xem
Ẩm thực ở Khánh Hòa là một nét văn hóa ẩm thực của Khánh Hòa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, với nguyên liệu chủ yếu được chế biến từ hải sản. Đồng thời cư dân Khánh Hòa xưa chủ yếu di cư vào từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi nên phong cách ẩm thực cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tỉnh trên.
Yến sào (tổ yến) là tên một loại thực phẩm – dược phẩm nổi tiếng được làm hoàn toàn bằng nước bọt của chim yến. Đây là món cao lương mỹ vị tại các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Yến sào (tổ yến) là thứ được kể đến đầu tiên trong bát trân (8 loại thức ăn quý của người Việt). Ngày xưa, yến sào là loại thức ăn chỉ có bậc đế vương mới được thưởng thức.
Ở Khánh Hòa, yến sống tự nhiên trên hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, nổi tiếng nhất là yến sào Hòn Nội, sau đó đến Hòn Ngoại, Hòn Sam…. Yến thường làm tổ trên vách núi cheo leo, hiểm trở nên người ta phải dựng những giàn giáo bằng tre theo các vách đá.
Tổ yến được chia thành nhiều loại như: yến huyết, yến bã trầu, yến trắng, yến vàng… Theo Đông y, yến sào có vị ngọt, tính bình, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho người suy nhược, khí huyết yếu kém, mất ngủ, tim đập nhanh, gầy ốm…
Ngoài ra, yến sào còn giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể… Yến thường được chế biến thành nhiều cách như chưng đường phèn, súp yến, yến tiềm gà ác, chè yến hạt sen…
Là một đảo nhỏ nằm trên vịnh Cam Ranh, đảo Bình Ba được biết đến với tên gọi là đảo tôm hùm. Du khách khi đến đây chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức những con tôm hùm tươi ngon vừa mới được bắt lên.
Người dân trên đảo thường chế biến tôm hùm thành nhiều món, đơn giản thì nướng, hấp, cầu kì hơn thì lăn bột chiên, nấu canh chua tôm hay kho rim. Loại tôm hùm bông xanh ở Bình Ba nếu đem nấu cháo sẽ có hương vị ngon đặc biệt.
Ngoài ra, còn một món mà rất nhiều người muốn ăn thử, đó là tiết canh tôm hùm. Đây là món ăn lạ, vị mặn xen lẫn ngọt, ăn chung với bánh tráng cùng với các loại rau sống như ngò gai, rau diếp cá hoặc khế chua.
Sò huyết Thủy Triều được biết đến bởi thịt ngọt, lành có một – không – hai. Dù không nổi danh như các món khác, song với hương vị và giá trị dinh dưỡng cao, sò huyết xứng đáng xếp vào danh sách các món ăn thuộc hàng “hải sản vua”.
Để bắt được sò huyết không hề khó. Khi thủy triều vừa rút nước, chỉ cần đi dọc theo mép đầm, cạo nhẹ lớp bùn trên mặt là đã có thể bắt được rất nhiều sò. Các món như sò huyết nướng tái, sò huyết xào me, rang muối ớt, bóp gỏi hay nấu cháo đều rất ngon miệng…
Với người sành ăn, có lẽ không có gì ngon bằng sò huyết nướng mỡ hành. Những con sò được nướng vừa phải để thịt vẫn còn béo ngọt, chưa bị teo lại. Ăn lúc còn nóng cùng chút muối tiêu chanh và rau răm thì không còn gì bằng.
Dân sành ăn vẫn nói với nhau rằng: “Đến Nha Trang chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh là mới biết Nha Trang có một nửa”. Tuy đó chỉ là câu nói vui, nhưng trên thực tế, trong cẩm nang của du khách nước ngoài khi đến Nha Trang luôn có địa chỉ của quán bò này.
Bí quyết của món ăn nằm ở công thức gia truyền, trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị khác nhau. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa.
Tại quán, có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên thực khách cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng.
Nếu là người chuộng các món đặc sản của rừng, thì du khách chắn chắn không thể bỏ qua món nai khô Diên Khánh nổi tiếng. Ngày xưa, thị trấn Diên Khánh (bao gồm cả huyện miền núi Khánh Vĩnh) là nơi có số lượng nai nhiều nhất trong cả tỉnh.
Ngày trước, nai còn nhiều nên người dân thường hay đặt bẫy đánh bắt. Thịt nai tươi sống được ướp nướng, xào… dư thừa thì đem phơi khô để dành. Dần dà, món nai khô trở thành đặc sản mà ai đến Diên Khánh cũng muốn được thưởng thức.
Món thịt nai khô hội tụ đủ vị chua, cay, mặn, ngọt thanh rất vừa miệng, thích hợp cho các cuộc nhậu lai rai cùng bạn bè. Tuy nhiên ngày nay, số lượng nai đã không còn nhiều nên đặc sản nai khô cũng trở nên khan hiếm và khá khó kiếm.
Cầu gai hay nhum biển, nhím biển là động vật da gai sống ở biển. Nơi sống của loại sinh vật này thường các ghềnh đá, bãi đá. Để bắt được nhum, ngư dân mang theo bao chứa và phải lặn xuống vài mét nước.
Thịt nhum kết thành năm hoặc tám múi như múi cam, màu trắng hồng, có thể kho để ăn cơm hoặc trộn vào trứng chưng cách thủy, nhưng thú nhất vẫn là ăn sống.
Thông thường, thịt nhum tươi chấm với muối tiêu và chanh, kèm theo mấy cọng rau thơm, thêm vài hớp rượu đế là hết ý.
Từ thời xa xưa, nhum là một trong những món dành để dâng lên cho vua. Thịt nhum biển có nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe, được dân biển coi là món quà quý của thiên nhiên dành cho phái mạnh.